18/3/14

Chủ động HNKTQT đã tạo không gian phát triển mới, rộng mở hơn. ( Thông điệp đầu năm mới 2014)

Hi vọng bài dưới sẽ giúp ích cho các bạn, mình tự làm thôi nên cũng không biết có tốt hay không. Bài chỉ mang tính chất để các bạn tham khảo thôi (^_^) Nếu thấy hơi hơi giúp ích cho bạn, có thể để lại 1 "<3" k ???  


Tóm tắt chung

Đề tài tiểu luận lần này của em được căn cứ theo bản  ” Thông điệp đầu năm mới 2014” của TT Nguyễn Tấn Dũng. Đề tài em lựa chọn được lấy ra từ bản TĐ là nội dung về việc chủ động HNKTQT đã tạo không gian phát triển mới, rộng mở hơn.

Bài tiểu luận sẽ được trình bày với 3 phần: mở, thân, kết rõ ràng.

Phần thân sẽ phân tích bốn nấc thang hội nhập rất quan trọng của Việt Nam: gia nhập ASEAN và AFTA; kí hiệp định BTA; gia nhập WTO; đàm phán vào TPP.

Đi sâu vào các nấc thang là những cơ hội mà chúng đem lại. Hay nói cách khác chính là: những bước tiến HNKTQT này đã tạo ra một không gian phát triển mới rộng mở như thế nào.

Những phân tích chỉ rõ những bước phát triển của kinh tế Việt Nam qua từng bước chuyển mình, từ khi bắt đầu hội nhập kinh tế cho tới bây giờ. Bốn nấc thang HNKTQT đó chính là sự biến chuyển từ khi ta mạnh dạn hội nhập với toàn khu vực, tiếp đó tiến xa hơn khi hợp tác song phương với nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ, rồi phát triển hội nhập ra toàn cầu, và cuối cùng, Việt Nam bắt tay vào đàm phán với TPP để hội nhập sâu-rộng hơn nữa với nền kinh tế thế giới.

Những nấc thang này đã nâng cao được vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam, từ đó giúp ta thấy rõ : “Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước ta đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”.[1]

Phần mở đầu
              
             Nhân dịp năm mới 2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”.  Bản thông điệp của thủ tướng nói tới rất nhiều khía cạnh, từ sự phát triển của kinh tế, thể chế chính trị, về nông nghiệp hay cả quyền dân chủ,… Rất nhiều vấn đề được nêu ra và bản thông điệp đã nhắc tới một vấn đề quan trọng, đó là việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Thủ tướng đã nêu rõ: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt”. Trong thông điệp, Thủ tướng thể hiện cách tiếp cận rất hiện đại và thực tế khi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới với những cơ hội mới, nhưng cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. 
            
              Đối với bản thân em, hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) từ lâu đã là một nội dung quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế quốc gia, và cũng là một nội dung mà những công dân trẻ như em cần hiểu rõ. Vậy nên, em đã chọn vấn đề này làm đề tài cho bài tiểu luận của mình. Và dưới đây là suy nghĩ của em về HNKTQT.

                                                 Phần Thân
I>      Giới thiệu chung về “HNKTQT”:
-         Đó là quá trình được đảm bảo bằng thể chế, mà theo đó Việt Nam ngày càng tạo điều kiện tự do hóa và hỗ trợ thuận lợi nhất cho các hoạt động của các dòng vốn, hàng hóa, dịch vụ, và công nghệ qua biên giới nước mình theo cả hai chiều, dòng vào và dòng ra, cũng như trên thị trường trong nước và quốc tế, phù hợp với các cam kết chính phủ đa phương và song phương.
-         Đó còn là sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong nước để tham gia vào quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế ngày càng sâu rộng, để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

II>   Những nấc thang hội nhập của Việt Nam:
Tiến trình HNKTQT sâu rộng của Việt Nam bắt đầu từ năm 1995 với 4 mốc quan trọng sau:
-         Gia nhập ASEAN đồng thời tham gia AFTA.
-         Ký hiệp định song phương thương mại Việt-Mỹ.
-         Gia nhập WTO.
-         Đàm phán vào TPP.
Những bước hội nhập đã đem lại nhiều kết quả, điển hình như đã tạo không gian mới, rộng mở hơn cho ta.
1)Nấc thang hội nhập đầu tiên: Gia nhập ASEAN, tháng 7-1995 đồng thời tham gia AFTA.
        Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã gia nhập vào ngày 28 tháng 7 năm 1995, cùng với đó ta tham  gia vào Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Đây là một dấu mốc quan trọng, nó đã đánh dấu việc chính thức hội nhập với khu vực của Việt Nam.
       Trước khi hội nhập khu vực, “nếu chỉ nói về kinh tế, thì chúng ta chủ yếu chỉ đi xin viện trợ, chứ có hợp tác gì đâu” [2], vậy nên việc gia nhập vào ASEAN và AFTA đã chứng minh với các nước bạn rằng ta là một nước có thể cùng hợp tác.
       Nấc thang hội nhập lần đầu này đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội:
-          Thoát khỏi sự cô lập, chúng ta thuận lợi hòa nhập với cộng đồng khu vực, hòa nhập vào thị trường các nước thuộc ASEAN. Đây chính là điều kiện hiếm có để chúng ta mở rộng hợp tác.
-         Cửa ngõ quan trọng này sẽ là tiền đề giúp Việt Nam mở rộng thị trường ra toàn thế giới, cũng như giao lưu VHNT[3] và KHCN[4] sau này
-         Về nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp luôn là ngành thu hút tỷ lệ lớn lao động trong các nước ASEAN và là vấn đề được các nước trong khu vực quan tâm. Nên qua các chương trình hợp tác nông nghiệp, nước ta không chỉ thu được nhiều kinh nghiệm, tiếp xúc  với KHCN[5] mà còn đạt được thành tựu to lớn: Việt Nam được giao là nước chủ trì về sản xuất và xuất khẩu cà phê, trong tổng số 11 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của ASEAN (Hội nghị bộ trưởng nông - lâm nghiệp ASEAN lần thứ 19 tại Băng Cốc tháng 9/1997). Điều này tạo ra một không gian phát triển mới cho ngành sản xuất, xuất khẩu cà phê của ta.
-         Môi trường phát triển cho lĩnh vực vận tải rộng mở hơn, theo kế hoạch phân công của Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN họp tại Băng Cốc (Thái Lan) tháng 3/1998, Việt Nam sẽ tham gia vào 5 tuyến đường được mang các mã số ASEAN (các tuyến đường 5, 7, 6, 11, 15) xuất phát từ Việt Nam nối với các địa điểm trên đất Lào, Campuchia, Thái Lan.

2)   Nấc thang hội nhập thứ hai: Ký hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ năm 2000.
Trong bản Thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng có nhắc tới việc chúng ta cần phải liên tục cố gắng để “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”, có thể thấy, việc chúng ta bước lên “nấc thang thứ hai” là một minh chứng cho việc nước ta luôn quan tâm đến đối ngoại và hội nhập này.
“Năm 2000, chúng ta kí hiệp định Thương mại song phương với Hoa kỳ (BTA) theo chuẩn mực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với nền kinh tế lớn nhất toàn cầu”[6]. Nấc thang này đã khiến không gian phát triển của ta mở rộng ra ngoài khu vực ASEAN, tiến tới với Mỹ. Từ khi bắt tay kí hiệp định, Việt Nam thu được vô số lợi ích:
-         Kinh tế tăng trưởng nhảy vọt. Thương mại hai chiều giữa hai nước được gia tăng, kết hợp với dòng đầu tư quy mô lớn của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Trong năm 2006, Hoa Kỳ xuất khẩu 1,1 tỷ USD hàng hóa vào Việt Nam và nhập khẩu 8,6 tỷ USD từ Việt Nam.
-          Xuất hiện các ngành công nghiệp mới sẽ phát triển để đáp ứng nhu cầu của thị trường Hoa Kì khổng lồ. Đồng thời, bằng cách khuyến khích cạnh tranh cùng cải cách trong nước, Hiệp định sẽ giúp giảm chi phí và khuyến khích hiện đại hóa.
-         Các ngành sẽ được mở rộng hơn, sẽ không chỉ có một vài doanh nghiệp mà là rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành.
-         Thị trường việc làm cũng được mở rộng và đa dạng hơn, nhất là khi các ngành công nghiệp mới xuất hiện.
-         Mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng thị trường ASEAN rộng lớn và công bằng.
-         Từ sự đòi hỏi chuyên môn của các ngành công nghiệp, hệ thống giáo dục cũng thay đổi, thêm nhiều chương trình học được chú trọng và đưa vào giảng dạy: ngôn ngữ, pháp luật, toán học, tài chính,…
-         Việc kí kết hiệp định thương mại song phương giúp thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, và nó được coi là cam kết hội nhập kinh tế của Việt Nam.Việt Nam giành thêm được cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính, phương thức quản lý hiện đại, thông tin thị trường và công nghệ tiên tiến.
-         Vốn đầu tư từ nước ngoài của các công ty con ở Mỹ vào Việt Nam rất cao.

         Qua 5 năm hợp tác đã thu về những thành công to lớn cho cả Mĩ và Việt Nam. Hiệp định Thương mại song phương với Hoa kỳ (BTA) không chỉ tạo không gian phát triển lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng với các công ty Hoa KÌ trong việc giao thương, đầu tư với nước ta.

3)   Nấc thang hội nhập thứ ba: Gia nhập WTO
Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, viết tắt WTO) Hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Mọi thành viên của WTO được yêu cầu phải cấp cho những thành viên khác những ưu đãi nhất định trong thương mại, nếu WTO cấp bất kì nhượng bộ thương mại nào thì tất cả các thành viên đều được hưởng. Chính vì những lợi ích đó, trong hơn 11 năm, chúng ta đã luôn kiên trì và nỗ lực đàm phán và cuối cùng chính thức là thành viên WTO.
Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong hội nhập KTQT[7] của ta, nền kinh tế nước ta hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc: ”Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao”, và nấc thang thứ ba này chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho vị thế nước ta. “ Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra không gian phát triển mới, rộng mở hơn” (TĐ)[8], kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, thương mại, dịch vụ…:
-         Kể từ khi gia nhập WTO, thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng sang 150 nước thành viên WTO và không có sự phân biệt đối xử. Trừ năm 2009, tốc độ tăng kim ngạch hàng năm đều >20%.
-         Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng mở rộng, vươn tới những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mĩ.
-         Thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI: thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện  giúp môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thuận lợi. Trong 5 năm, đầu tư mới và tăng vốn các dự án cũ ở Việt Nam đạt 150 tỷ USD, vượt 77% mục tiêu đề ra.
-         Cơ cấu vốn đầu tư thay đổi, không chỉ tập trung vào công nghiệp mà tập trung tới các ngành: dịch vụ khách sạn, nhà hàng, bất động sản, bảo hiểm, tài chính-ngân hàng, căn hộ cho thuê.  Môi trường kinh doanh vươn rộng tới nhiều hướng.
-         Nước ta có địa vị bình đẳng với các thành viên khác khi tham hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, nhờ vậy ta có thể góp phần tạo ra không gian phát triển mới đem lại nhiều  quyền lợi cho doanh nghiệp của ta.
      
          Tuy có nhiều yếu tố thuận lợi khi ta gia nhập WTO, tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều điều không thuận lợi. Nhưng một cách khách quan, dù thuận lợi hay không thuận lợi, cái nào nhiều cái nào ít, thì quan trọng là nếu ta không có HNKTQT, tăng trưởng kinh tế của ta sẽ còn thấp hơn nữa.

4)   Nấc thang hội nhập thứ tư: Đàm phán vào TPP.
Trong bản thông điệp có nêu rõ “… Ba năm qua, kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã dành nhiều công sức, nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những kết quả quan trọng…..Thực tiễn cho thấy nếu không giải quyết tốt những nhiệm vụ này thì sẽ không bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, không khai thác có hiệu quả được tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế và cũng không tạo lập được nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững…” thật vậy,  tuy chúng ta đã dần tiến sâu vào kinh tế thế giới và đạt được nhiều thành tựu, mở rộng, khai thác, phát triển được một không gian hội nhập, nhưng điều gì cũng có hai mặt và vẫn còn đó nhiều điểm cần khắc phục của việc HNKTQT này. Để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, đồng thời mở rộng thị trường, nhà nước ta đã tuyên bố tham gia đàm phán gia nhập TPP[9] (ngày 13/11/2010).
Sở dĩ Việt Nam nhắm tới TPP bởi nếu gia nhập TPP, nó có thể đem đến những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc kết nối nền kinh tế của mình với Mỹ và các thành viên TPP khác. Nó có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam. Cụ thể như:
-         Xuất khẩu của Việt Nam vào TPP chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước thành viên TPP. Điều đó chứng tỏ TPP là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ với mức thuế suất thấp hoặc bằng 0% sẽ mang lại cho Việt Nam một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng hết sức sáng sủa cho nhiều ngành hàng của chúng ta, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu.
Các mặt hàng được hưởng lợi lớn là dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản. Đó là những mặt hàng mà kim ngạch xuất khẩu vào các nước thành viên TPP chiếm tỷ trọng lớn.
-         Cơ hội khai thác tại thị trường nội địa:
® Giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước TPP.
® Lợi ích từ những khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Mỹ và các nước đối tác TPP. Đó là một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng.
® Mở cửa thị trường mua sắm công. Mặc dù mức độ mở cửa đối với thị trường mua sắm công trong khuôn khổ TPP chưa được xác định cụ thể nhưng nhiều khả năng các nội dung trong Hiệp định về mua sắm công trong WTO sẽ được áp dụng cho TPP, và nếu điều này là thực tế thì cơ hội mà Việt Nam có được sẽ là triển vọng minh bạch hóa thị trường quan trọng này.
® Về cơ bản những yêu cầu cao về vấn đề tiêu chuẩn lao động, môi trường có thể gây khó khăn cho Việt Nam nhưng xét một cách kỹ lưỡng một số tiêu chuẩn trong đó sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường (đặc biệt, trong đầu tư từ các nước đối tác TPP) và bảo vệ người lao động nội địa…
-         Tham gia và với tác động của  TPP với các cam kết sâu, rộng hơn WTO đòi hỏi Việt Nam đẩy nhanh công cuộc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng…
-         Theo Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới thể chế, thì việc tham gia TPP của Việt Nam sẽ có tác động tích cực trong việc hoàn thiện thể chế cũng như cải cách hành chính.

         TPP sẽ đem đến một cơ hội “không thể bỏ lỡ” để Việt Nam có thể kết nối nền kinh tế của mình với Mỹ và các thành viên TPP khác. Từ những điều trên, ta có thể nhận thấy, TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế, vừa có tính toàn diện, vừa có mức độ cam kết sâu. Vì thế, tận dụng được cơ hội để hạn chế và vượt qua thách thức sẽ tạo ra kỳ vọng mới.


                                         Kết luận chung
      Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một sự kiện quan trọng đầu năm, đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình đất nước, mở hướng cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam trong tình hình mới.
           Bản thông điệp đã nêu rõ nhận định của TT “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt”. Có thể từng nấc thang hội nhập mà chũng ta bước lên, chúng ta vấp phải vô số trở ngại về mọi mặt, có thể chúng ta có thể cũng từng có thời điểm rơi vào khủng hoảng ngay trong thời kì hội nhập, nhưng, những thành tựu mà ta đạt được qua bốn nấc thang hội nhập, việc ngày càng mở rộng được môi trương phát triển là điều khó có thể thực hiện nếu không có HNKTQT. Đây là điều không thể phủ nhận.
            Cũng nhờ có HNKTQT mà Việt Nam, từ một đất nước bé nhỏ, ít có tiếng nói trên trương quốc tế,đã có bước tiến vượt bậc chỉ trong 20 năm hội nhập. Xin trích lời của Nguyên PTT Vũ Khoan: “ Còn bây giờ, ta đang “chơi” ngang ngửa trên toàn cầu bằng các luật chơi của AFTA, WTO, rồi TPP… Đúng là, nếu so với người, thì rất khó, nhưng so với mình trước đây đã là “một trời, một vực”.
             Trong tương lai, có lẽ sẽ còn những nấc thang tiếp theo của hội nhập, nhưng tính tới thời điểm này, bốn bước hội nhập trên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hi vọng Việt Nam sẽ “chơi đúng kiểu” trên sân chơi toàn cầu, và trong những năm tiếp theo đây sẽ nâng cao hơn nữa vị thế của nước nhà.

                              Tài Liệu Tham Khảo

- Giáo trình môn ĐLCMVN
- http://truongleduan.quangtri.gov.vn




[1] Trích  từ Thông điệp.
[2] Trích lời Nguyên PTT Vũ Khoan.
[3] Văn hóa nghệ thuật
[4] Khoa học công nghệ
[5] Khoa học công nghệ
[6] Trích lời Nguyên PTT Vũ Khoan
[7] Kinh tế quốc tế.
[8] Thông điệp đầu năm mới 2014 của TT Nguyễn Tấn Dũng.
[9] Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement ( TPP), là hiệp định thương mại tự do của các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét